Gieo hạt 01: Gap month đầu tiên và giấc mơ mùa hè
Mỗi thứ 6 hằng tuần, mình sẽ gom lại những hạt giống đã gieo, để “khoe” cùng bạn nhé!
Thời gian qua là quãng thời gian khác biệt trong cuộc đời mình. Lần đầu trong suốt 5 năm đi làm, mình có gap month dài. Để chuẩn bị cho việc này, mình đã lên Mục tiêu về công việc trong mơ (Dài hạn & Ngắn hạn), Kế hoạch tài chính và Hoạt động mong muốn làm trong cho giai đoạn chuyển giao. Mình cố gắng hình dung cơ hội và khó khăn khi mình lựa chọn rời công việc cũ với mức lương tốt để bắt đầu hành trình mới. Tuy nhiên, đây vẫn là một quyết định khó khăn và đặt mình vào những suy tư mà mình chưa từng trải qua trước đây.
Câu hỏi luôn lặp lại trong giai đoạn mình đưa ra quyết định: Mình có nên dừng lại không? Sự dừng lại này có phải là từ bỏ, thất bại? Mình đã thử nghĩ cách nào khác để cải thiện tình hình? Trong 5 năm đi làm, đã từng gắn bó với 1 công việc hơn 4 năm, mình có niềm tin bản thân đã rèn luyện một sức mạnh tinh thần và sự bền bỉ nhất định để vượt qua những thách thức tâm lý, mong muốn từ bỏ thoáng qua mà chưa cân nhắc kỹ.
Mình thực sự mong muốn gì ở công việc này? Mình có đang leo lên cái thang mình mong muốn hay không? Mình tìm đáp án ở bất cứ nguồn nào mình tin tưởng, hỏi Coach EQ, hỏi người thân, đọc sách…
Giờ nghĩ lại, mình không cần phải căng thẳng như vậy. Nếu mình phân tách các vấn đề rõ ràng, dù đúng hay sai, mình vẫn có thể bước tiếp và điều chỉnh dần quyết định đó. Nghĩ có trọng tâm, giúp mình vững tin, có giải pháp. Nghĩ quá nhiều, lung tung, khiến mình phân tán năng lượng, mệt mỏi.
Nếu bạn cũng đang đứng trước một quyết định khó khăn, mình muốn nói với bạn rằng: Hãy quyết định bằng lòng dũng cảm, chứ không phải sự sợ hãi. Hãy sử dụng sức mạnh của viễn cảnh (điều bạn mong ước) và nhìn thật rõ ràng vào tình hình của bạn hiện tại. Hãy chuẩn bị và sẵn sàng bước tiếp.
Thời gian nghỉ, mình dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Nhà mình vừa có chuyến đi Đà Lạt - Vĩnh Hy (Ninh Thuận) - Cam Ranh (Khánh Hoà). Chuyến đi dài ngày, giúp mình nhận ra nhiều điều mà các tương tác hằng ngày khó nhận ra được. Một cuộc tranh luận nhỏ biến thành to tiếng và không khí khá căng thẳng. Nhưng sau đó, cuộc nói chuyên nghiêm túc đã giúp các thành viên gắn kết hơn. Mình hiểu rằng bố mẹ yêu thương mình rất nhiều. Bố đã vượt qua những tổn thương tâm lý khi còn nhỏ để “kiến tạo một mô thức mới” (từ được nhắc trong cuốn 7 Thói quen hiệu quả) để học cách yêu thương 2 chị em mình. Mình học cách lắng nghe đồng cảm hơn, thay vì lắng nghe để trả lời.
Tú, em trai mình bắt đầu gợi mở về ý tưởng Thoả thuận cùng thắng, khi nói với mẹ: Mẹ vui thì con mới vui được, nên mẹ cứ nói ra suy nghĩ của mình và cả nhà sẽ chọn địa điểm phù hợp. Tình huống là khi nhà mình đi chơi. Mẹ mình không thích đến nông trại nhưng vẫn cố đi trong khó chịu và bảo rằng mẹ đi vì con thích. Sau đó, cả gia đình đều đánh giá chuyến đi nông trại là “thảm hoạ”. Một giải pháp cùng thắng sẽ phát huy vai trò. Mọi người đều đưa ra ý kiến của bản thân, nhu cầu, sở thích, điều không thích. Sau đó mọi người thống nhất một phương án tối ưu, không ai cảm thấy bị kìm nén cảm xúc hay hy sinh. Mọi người đều vui vẻ nếu lựa chọn đó không tốt như mong đợi, thay vì quyết định dựa trên tư duy Thắng thua (Chọn cái này thì không chọn được cái kia) hay Nhượng bộ (Chọn cái này vì không muốn tranh luận).
Framework tư duy tuần này
Mô hình được nhắc đến trong cuốn sách 7 Thói quen hiệu quả của tác giả Stephen Covey. Ông được tạp chí Time vinh danh là một trong 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất. Cuốn sách đã được dịch ra 50 ngôn ngữ, với 40 triệu bản in trên toàn cầu. Hơn 75% tập đoàn trong Fortune 500 đã triển khai chương trình đào tạo “7 Habits”. Bạn có thể đã từng nghe đến Tư duy Kiến tạo, Bắt đầu bằng đích đến, Ưu tiên những điều quan trọng hay Hiểu để được hiểu, nhưng chưa rõ tư duy đó được xuất pháp từ đâu hay áp dụng như thế nào trong các tình huống cụ thể ở nơi làm việc, trong gia đình, thì đây sẽ là điểm bắt đầu tốt để bạn nắm chắc Nguyên lý và trở thành một người bạn mong ước.
Gợi ý tuần này
Tạo Blog qua Substack
Có một Blog riêng và bắt đầu thói quen viết nội dung dài không hề khó chút nào. Ngoài Wordpress, Wix, bạn có thể thử Substack, nền tảng xuất bản nội dung và email newsletter. Bạn cũng có thể dễ dàng kết nối với cộng đồng người đọc và viết Substack qua Feed hay Inbox. Đây là nền tảng tạo blog đẹp và đơn giản nhất mình từng dùng qua. Bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay cùng Substack nhé.
Tác giả mình thích gần đây trên Substack là thầy Hồ Quốc Tuấn, series bài viết Đọc Chậm. Thầy Tuấn hiện là Giảng viên cao cấp, Giám Đốc chương trình Đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán của Đại học Bristol, Vương quốc Anh. Lĩnh vực nghiên cứu chính: Thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô, và ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính và giáo dục. Mình chủ yếu đọc và quan sát cách thầy tư duy các vấn đề.
https://substack.com/@hoquoctuan
Khu vườn mùa hè ở Tamai
Mình biết Tamai từ những ngày mới mở. Tuần vừa mình khá hào hứng để quay lại khám phá Khu vườn trên tầng thượng ở đây. Mình đến vào một buổi sáng mùa hè, sau cơn mưa đêm. Khu vườn xinh mát với tranh, giá vẽ và tiếng nhạc. Mùa hè trời hơi oi, nhưng ngồi trong vườn 1 mình, nghe nhạc, đọc sách, vẽ linh tinh thì rất chill.
BBC Earth
Tuần vừa, mình mê mẩn kênh BBC Earth. Kênh được dẫn dắt bởi giọng đọc của Sir David Attenborough, phát thanh viên và nhà tự nhiên học người Anh. Ông đã dẫn các chương trình, phim tài liệu trong suốt hơn 60 năm. Bạn có thể nhận ra giọng đọc của ông qua series nổi tiếng Our Planet. Xem kênh này làm mình cảm thấy cực kỳ hứng thú, giống như xem chương trình Thế giới động vật hồi bé. Cảm giác biết ơn vì giọng đọc của Sir David Attenborough đã giúp mình nâng band IELTS listening một cách ngoạn mục, chỉ sau 1,5 tháng.
Newsletter thứ 6 hằng tuần
Mình đã suy nghĩ lâu về việc quay trở lại viết Blog. Nếu viết như cách cũ, nhiều khả năng một thời gian mình sẽ dừng lại giữa chừng. Mình cần thiết lập một thói quen viết bền vững hơn. Để làm được như vậy, theo Atomic Habits, cần làm cho việc đó Rõ ràng → Hấp dẫn → Dễ dàng → Tạo cảm giác thỏa mãn. Vậy là mình nghĩ về Newsletter:
Rõ ràng: Public vào 1 ngày cố định hằng tuần (dự kiến thứ 6)
Hấp dẫn: Chia sẻ lạị những suy nghĩ, trải nghiệm của mình trong tuần. Một tuần có nhiều thứ hay ho và không thiếu thứ để chia sẻ.
Dễ dàng: Sử dụng Substack - Ứng dụng viết blog, tích hợp Email Marketing.
Tạo cảm giác thoả mãn: Mình thích chia sẻ và kết nối với mọi người. Việc này giúp mình cảm thấy mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa.
Tên ‘Gieo hạt” xuất phát từ ý nghĩ quá trình trưởng thành giai đoạn đầu cũng giống như Gieo hạt. Mỗi suy nghĩ, hành động đều là một hạt giống. Việc gieo hạt giống nào, chọn hạt giống chất lượng ra sao, số lượng bao nhiêu phần nhiều là do mình quyết định. Thế là từ giờ, mỗi thứ 6 hằng tuần, mình sẽ gom lại những hạt giống đã gieo, để “khoe” cùng bạn nhé. Và bạn cũng có thể làm như vậy.
Ý định sắp tới
Framework tư duy - Notion Template
Mình đang chuẩn bị tập hợp, thiết kế lại tất cả các Framework trong các cuốn sách mình đọc. Nếu chia sẻ dạng post có thể khó cho bạn để sử dụng, vì vậy một Template Notion dễ dàng duplicate, sử dụng ngay lập tức là một ý tưởng khả thi hơn. Mình sẽ thông báo cho bạn khi hoàn thành nhé. Có thể mình cũng sẽ hỏi ý kiến của bạn qua khảo sát trên Story IG.
Đọc các chia sẻ ngắn hằng ngày; cùng mình thực hành, thực hiểu các framework tư duy, xây dựng cuộc sống Hiệu năng, Thịnh vượng và nhiều Niềm vui hằng: https://www.instagram.com/thehappiereading/