Gieo hạt 36: Thiết kế bài giảng
Mình rất háo hức vì được tham gia vào dự án Giảng viên nội bộ của công ty. Nội dung giảng dạy về công việc chuyên môn Scrum Master, quản lý dự án công nghệ theo phương pháp Agile.
Chào bạn,
Gần đây, mình rất háo hức vì được tham gia vào dự án Giảng viên nội bộ của công ty. Nội dung giảng dạy về công việc chuyên môn Scrum Master, quản lý dự án công nghệ theo phương pháp Agile. Tuần này, mình tham gia xây dựng bài giảng, dự thính để lấy kinh nghiệm, chuẩn bị đứng lớp vào tuần sau.
Giảng dạy là công việc trong mơ của mình. Tham gia dự án này, mình có cơ hội làm việc cùng chị L&D leader (trưởng nhóm xây dựng các chương trình đào tạo Learning & Development) và học được rất nhiều về các framework giảng dạy (learning design).
Bắt đầu bằng Framework tư duy giúp mình có cái nhìn tổng quan, toàn diện, học từ những hình mẫu đã được nghiên cứu và thành công. Ví dụ, framework đánh giá chất lượng buổi học (tiêu chí để xây dựng feedback sau buổi học), framework cấp độ tư duy của người học và thiết kế bài giảng interactive learning (tiêu chí để xây dựng nội dung bài giảng và các hoạt động tương tác).
Nếu bạn đang bắt đầu một kỹ năng mới, hãy thử bắt đầu bằng Framework tư duy và học từ người giỏi nhất trong lĩnh vực đó—đây là hướng khởi đầu sáng cho bạn.
Mình cũng nhận ra 2 tư duy và 2 kỹ năng quan trọng nhất của người dạy (trainer):
Tư duy hệ thống: khả năng hệ thống hoá kiến thức một cách tổng quát, dễ nhớ, dễ hiểu. Người dạy cần có cái nhìn đủ rộng, bao quát, biết cách kết nối kiến thức và tạo ra các liền mạch trong suy nghĩ của người học.
Tư duy tinh gọn: khả năng xác định và tập trung vào những nội dung quan trọng nhất của bài giảng. Trong giới hạn thời gian của buổi đào tạo, lượng tải não bộ của người học (cognitive load) cũng có giới hạn, tư duy này giúp người dạy suy nghĩ về những gì thực sự có giá trị với người học thay vì sa đà vào những khái niệm hào nhoáng.
Kỹ năng đặt mục tiêu, kỳ vọng cho người học: đây là điểm khởi đầu của một buổi học thành công, liên quan đến tư duy bắt đầu bằng đích đến, dùng viễn cảnh tương lai để thu hút sự chú ý ở hiện tại. Sự rõ ràng ngay từ ban đầu sẽ giúp người dạy biết tập trung vào đâu, thiết kế bài học như thế nào để đạt được mục tiêu của người học.
Kỹ năng đặt câu hỏi, trả lời, tư vấn cho người học: đây là cơ hội để người dạy thể hiện phần “hiểu sâu” của mình, giúp người học giải quyết các vấn đề phức tạp hơn các kiến thức “nhớ, hiểu”, tiến đến vùng kiến thức cần “vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo”. Người dạy đặt các câu hỏi rõ ràng nhưng có khả năng gợi mở suy nghĩ của người học. Người học được gỡ rối, giải đáp những thắc mắc hay nhận thức lại những hiểu lầm trước đây.
Ngoài ra, còn có các kỹ năng liên quan đến trình bày, thiết kế các hoạt động tương tác,…
Framework tư duy của tuần
Thang Đánh Giá Bloom: mô hình phân loại các cấp độ tư duy trong học tập và giáo dục, được phát triển bởi Benjamin Bloom và các đồng nghiệp vào năm 1956. Thang đo này giúp phân chia các mục tiêu học tập thành các cấp độ tư duy từ cơ bản đến phức tạp, nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế chương trình giảng dạy, đánh giá, và đào tạo hiệu quả hơn.
Nguồn: Link
Gợi ý
Bài hát: NGHE CHUÔNG NGỌC | Trong Suốt
Nghe mà chẳng thấy cái được nghe
Nghĩ mà chẳng có cái nghĩ về
Nhìn mà chỉ tựa trăng trên nước
Nhảy vào biển lửa vẫn rất phê!
Bài thơ này khắc họa một trạng thái tâm linh, nơi con người thoát khỏi mọi ràng buộc của giác quan, suy nghĩ và cảm xúc. Nó khuyến khích sống một cách tự do, chấp nhận mọi thứ đến và đi, đồng thời nhận ra bản chất thực sự của cuộc sống là phù du và không nắm bắt được.